1. Quy định mới về tuyển sinh ngành sư phạm
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi tên và Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 16/4/2018).
Theo đó, đối với các trường thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh tốt nghiệp THPT tham gia xét tuyển phải đáp ứng ngưỡng chất
lượng đầu vào cụ thể như sau:
- Trình độ Đại học:
+ Học sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi;
+ Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất yêu cầu học sinh có học lực lớp 12 từ loại khá trở lên.
- Trình độ cao đẳng, trung cấp:
+ Học sinh có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên;
+ Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp), học sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
2. Đổi mới Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia
Ngày 15/4/2018, Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo Thông tư 04/2017/TT
BGDĐT chính thức có hiệu lực.
Theo đó, một số điểm mới nổi bật trong Quy chế thi được đề cập bao gồm:
- Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài thi sẽ làm tròn đến hai chữ số thập phân (hiện nay quy định bài thi được lấy đến 0,25; không quy tròn điểm);
- Thí sinh giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; để người khác dự thi thay, làm bài thay,...bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ xử lý thay vì tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo;
- Không áp dụng cộng điểm ưu tiên cho con của người được hưởng chính sách như bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên như hiện nay,...
3. Các trường đại học được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Đây là điểm nổi bật tại Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh (CTTS) trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có hiệu lực từ ngày 15/4/2018.
Theo đó, trong quy trình tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ xác định CTTS theo quy định thay vì phải đăng ký chỉ tiêu hằng năm với BGDĐT như hiện nay. Sau đó cập nhật thông tin chi tiết về tiêu chí xác định CTTS, CTTS và kết quả thực hiện chỉ tiêu vào phần mềm quản lý của BGDĐT.
Cơ sở phải công bố công khai điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở dữ liệu và tiêu chí xác định CTTS, chỉ tiêu và đề án tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và các thông tin khác trên trang thông tin điện tử của cơ sở và phần mềm quản lý của Bộ GD&ĐT.
4. Điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh một số trường Quân đội năm 2018
Thông tư 24/2018/TT-BQP sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội và Thông tư 42/2017/TT-BQP sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP.
Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh theo hai miền Bắc – Nam hoặc theo từng phân khu của một số trường Quân đội được xác định như sau:
- Học viện Kỹ thuật quân sự: 80% thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Bắc, 20% thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam;
- Trường Sĩ quan Lục quân 2: điểm chuẩn xác định đến từng quân khu phía Nam theo tỷ lệ: Quân khu 4: 03%, Quân khu 5: 37%, Quân khu 7: 35%, Quân khu 9: 25%;
- Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự: 40% thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Bắc, 60% thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam;
- Các học viện: Hậu cần, Hải quân và các trường sĩ quan: Công binh, Thông tin, Chính trị, Đặc công: 65% thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Bắc, 35% thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam,…
Thông tư 24/2018/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 15/4/2018.
Nguồn Thư viện pháp luật